Thi khoa học kỹ thuật học sinh: Các sáng tạo của “thần đồng” đã đi đâu?
Những chủ nhân các đề tài, dự án sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT) học sinh mà ngay cả các chuyên gia cũng cảm thấy “choáng”, nay ở đâu, làm gì, có phát huy được năng lực “thần đồng” hay không đang là băn khoăn chung của dư luận.
Dư luận đang dậy sóng về cuộc thi KHKT quốc gia học sinh trung học năm học 2020 – 2021 vừa diễn ra tại Thừa Thiên – Huế từ ngày 25 – 27.3.
Trong đó, dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của học sinh trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đạt giải Nhất.
Đề tài tương tự: “Giường I.o.T hỗ trợ người mất khả năng vận động tay chân” của 2 em học sinh lớp 12- trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình – trước đó đã giành giải Nhất KHKT tỉnh Ninh Bình vào năm 2019.
Sau khi dư luận phản ánh, Sở GDĐT Ninh Bình lên tiếng, cho biết 2 dự án có điểm giống nhau về tên gọi, do cùng 1 giáo viên hướng dẫn, nhưng lý giải đó là 2 dự án khác biệt do sản phẩm năm 2019 điều khiển bằng máy tính, sản phẩm năm 2021 điều khiển bằng giọng nói và một số tính năng khác cũng không giống nhau.
Dù vậy, dư luận vẫn không hết băn khoăn: Hai dự án nói trên có phải do học sinh thực hiện, hay các em chỉ là “diễn viên”? Thứ hai, khả năng ứng dụng của 2 sản phẩm nói trên ra sao, có thể tung ra thị trường hay không?
Những băn khoăn nói trên là có cơ sở, khi mà việc sáng tạo những sản phẩm kĩ thuật cao như vậy đòi hỏi rất cao về vốn tri thức, kĩ năng, kinh nghiệm, điều kiện vượt quá tầm của học sinh THPT, ngay cả các giáo viên, kĩ sư bình thường cũng không thể đáp ứng.
“Nếu thực sự học sinh sáng chế được các sản phẩm như thế, hoặc nghiên cứu được thuốc điều trị bệnh ung thư, cánh tay rô bốt, cảm biến cảnh báo thiên tai, biến nước mặn thành nước ngọt… thì đích thị đó là các “siêu nhân”, “thần đồng” chứ không phải bình thường” – TS. Lê Thanh Nga – giảng viên trường ĐH Vinh khẳng định.
“Bộ KHCN- Bộ GDĐT…hãy công bố cho dân biết, những học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và thi KHKT, đặc biệt là chủ nhân của các dự án mang tính chất “thần đồng” đã đạt giải quốc gia và quốc tế, nay các em làm gì, ở đâu, có đóng góp gì cho khoa học, kĩ thuật của đất nước?”- nghiên cứu sinh Bùi Minh Hào (Nghệ An) đề nghị.
Một vấn đề đặt ra là hàng chục năm qua, với hai cuộc thi “KHKT quốc gia học sinh trung học” và “Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng” tổ chức hàng năm, đã có hàng nghìn, hàng vạn đề tài đạt giải các cấp, trong đó có hàng trăm đề tài đạt giải quốc tế, vậy số phận các đề tài đó ra sao? Có bao nhiêu dự án đã được áp dụng trong thực tiễn, và bao nhiêu sản phẩm thi xong “đắp chiếu”?
Theo phản ánh của nhiều giáo viên, nhiều đề tài, dự án dự thi do giáo viên thực hiện, hoặc nhờ người khác thực hiện rất tốn kém, học sinh chỉ là các “diễn viên” được lựa chọn.
Bên cạnh đó, khả năng ứng dụng của nhiều đề tài, dự án chỉ là để… trưng bày trong phòng truyền thống nhà trường.
QUANG ĐẠI
Theo báo Lao Động